Dân số của xã Đắk Lao thời điểm sau năm 1975 có khoảng 1.720 người, trong đó có 720 người là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 3 buôn là buôn Ja Rông, buôn Đắk La, buôn Đắk Mil và khoảng 1.000 người Kinh là công nhân Nông trường Hà Trọng Sương cùng anh em binh lính ở khu gia binh sống xen kẽ với dân thường[1].

Ngày 18/9/1989, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra Quyết định tách 199ha thuộc diện tích của xã Đắk Lao để thành lập thị trấn Đắk Mil. Tiếp đó, theo Quyết định số 227/QĐ-HĐBT ngày 19/6/1990, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil tiếp tục cắt một phần diện tích và dân số để cùng với 5 xã của thị xã Buôn Ma Thuột thành lập huyện Cư Jút. Từ sau thời điểm này, dân số của xã Đắk Lao có khoảng 3.195 người.

Năm 2015, xã Đắk Lao có 17 đơn vị hành chính là 17 thôn, tên gọi các thôn gắn với số thứ tự. Dân số của xã có 1.881hộ với 8.462 nhân khẩu. Đắk Lao là quê hương của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 97 hộ với 474 nhân khẩu, chiếm 7,2% dân số.

Từ năm 2019, trên cơ sở sáp nhập 17 thôn, buôn, xã Đắk Lao còn 10 đơn vị hành chính là 10 thôn và đều có tên mới là: Đắc Xuân, Đắc Phúc, Đắc Lộc, Đắc Thuỷ, Đắc Kim, Đắc Tâm, Đắc Quang, Đắc Lợi, Đắc An, Đắc Thọ. Đến năm 2020, dân số toàn xã có 2.200 hộ với 9.403 nhân khẩu, có 18 dân tộc cùng sinh sống.

Trên địa bàn xã có tín đồ của 4 tôn giáo, trong đó tín đồ Công giáo có 428 nhân khẩu/90 hộ; tín đồ Phật giáo có 383 nhân khẩu/228 hộ, tín đồ đạo Tin Lành có 1 nhân khẩu, tín đồ đạo Cao Đài có 4 nhân khẩu/1 hộ,…

II. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH XÃ QUA CÁC THỜI KỲ

Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh thành lập tỉnh Quảng Đức, cắt toàn bộ huyện Đắk Mil của tỉnh Đắk Lắk từ phía Nam cầu 14 vào đến Đắk Song, đặt tên là quận Đức Lập. Dân số quận Đức Lập lúc bấy giờ khoảng 37.000 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn huyện Đắk Mil ngày nay thuộc quận Đức Lập. Năm 1962, tỉnh Quảng Đức giải thể, sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Sau năm 1975, chính quyền giải phóng tiếp quản và chuyển toàn bộ địa bàn quận Đức Lập thành huyện Đắk Mil, thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Cũng từ sau ngày giải phóng năm 1975, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk tiếp quản ấp chiến lược thuộc xã Đức Mạnh và đặt tên là xã Đắk Lao. Tên gọi của xã gắn liền với nhà ngục Đắk Mil thuộc địa bàn xã Đắk Lao - một địa chỉ đỏ khắc sâu dấu ấn trong phong trào đấu tranh cách mạng của tù nhân nhà ngục và đồng bào người dân tộc thiểu số địa phương từ những năm 40 của thế kỷ XX. Khi mới thành lập, Trạm y tế tư nhân được trưng dụng làm Trụ sở của UBND xã Đắk Lao[2]. Về đơn vị hành chính, xã Đắk Lao lúc bấy giờ có 5 khối dân cư từ khối 1 đến khối 5 và 3 buôn đồng bào người dân tộc thiểu số.

Ngày 19/8/1989, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra Quyết định tách 199ha thuộc diện tích của xã Đắk Lao để thành lập thị trấn Đắk Mil. Ngày 19/6/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 227/QĐ-HĐBT chuyển toàn bộ 35.100ha đất lâm nghiệp của xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil về huyện Cư Jút mới thành lập. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Đắk Lao huyện Đắk Mil còn lại khoảng 28.360ha diện tích tự nhiên và dân số khoảng 3.195 người. Từ thời điểm này, xã Đắk Lao có địa giới: phía đông giáp thị trấn Đắk Mil và các xã Đắk Gằn, Đức Mạnh; phía tây giáp  tỉnh Mondulkiri, Campuchia; phía nam giáp xã Thuận An; phía bắc giáp thị trấn Đắk Mil và xã Ea Po của huyện Cư Jút - ranh giới là con đường từ Kilomet số 29 trên Quốc lộ 14 đi qua xã Trúc Sơn, kéo dài qua xã Nam Dong đến suối cạn, kéo dài đến Đồn biên phòng số 8, chân điểm cao 364 đến chân điểm cao và đường bình độ 350. Đơn vị hành chính của xã Đắk Lao là các thôn, có tên gọi gắn liền với các số thứ tự. Đến năm 2003, xã có 17 thôn.

Ngày 26/11/2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Mil trực thuộc tỉnh Đắk Nông. Xã Đắk Lao thuộc huyện Đắk Mil. Địa giới hành chính của xã Đắk Lao không thay đổi. Ngày 30/9/2019, HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về việc sáp nhập các thôn thuộc xã Đắk Lao. Theo đó, sáp nhập toàn bộ thôn 1, thôn 2 và thôn 3 để thành lập thôn Đắc Xuân gồm có 350 hộ; sáp nhập toàn bộ thôn 4 với thôn 6 để thành lập thôn Đắc Phúc gồm có 271 hộ; sáp nhập toàn bộ thôn 8a với thôn 8b để thành lập thôn Đắc Lộc gồm có 213 hộ; sáp nhập toàn bộ thôn 9a với thôn 9b để thành lập thôn Đắc Thuỷ gồm có 316 hộ; sáp nhập toàn bộ thôn 10a với thôn 13 để thành lập thôn Đắc Kim gồm có 195 hộ; sáp nhập toàn bộ thôn 10b với thôn 11a để thành lập thôn Đắc Tâm gồm có 248 hộ; đổi tên thôn 5 thành thôn Đắc Quang gồm có 183 hộ; đổi tên thôn 7 thành thôn Đắc Lợi gồm có 188 hộ; đổi tên thôn 11b thành thôn Đắc An gồm có 107 hộ; đổi tên thôn 12 thành thôn Đắc Thọ gồm có 90 hộ. Như vậy, từ 17 thôn hành chính trước đây, xã Đắk Lao đã hoàn thành sáp nhập còn 10 thôn và đều có tên mới.

Trải qua thời gian, không gian địa lý và tên gọi của xã Đắk Lao về cơ bản ổn định, không có quá nhiều lần chia tách, sáp nhập phức tạp như các địa phương khác trong tỉnh và huyện. Điều này tạo thuận lợi cho cư dân trên địa bàn có điều kiện gắn bó, cùng chung sống lâu dài với nhau, hình thành nên những nét riêng về văn hoá, đặc điểm dân cư và hơn hết là luôn được ổn định để sinh sống, làm ăn.  

III. TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ, LỊCH SỬ

Xã Đắk Lao nói riêng, huyện Đắk Mil nói chung trước đây là vùng sinh sống của đồng bào dân tộc M’nông - một dân tộc thiểu số tại chỗ đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Người M’nông có đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nghề nông với phương thức canh tác đơn giản là phát rẫy bằng rìu phạt và chọc lỗ tra hạt. Đồng bào vẫn duy trì lối sản xuất du canh du cư, thu hoạch thủ công bằng tay. Cùng với trồng lúa rẫy, người M’nông ở Đắk Lao còn chăn nuôi gia súc, săn bắn thú rừng, bắt cá trên sông, suối,… để lấy thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Một số nghề thủ công như rèn dao, rựa, đan lát, dệt vải,… cũng được đồng bào duy trì để tự cung tự cấp về công cụ lao động, quần áo, đồ trang sức… Trước năm 1975, người M’nông ở Đắk Lao sống tập trung ở 3 bon là Đắk La, Đắk Me và Bon Jari.

Sau ngày giải phóng 1975, tình hình FULRO phức tạp, để thuận lợi cho quản lí dân cư trên địa bàn, 3 bon người M’nông sinh sống được chuyển vào vùng Đắk Môn. Từ đây, trên địa bàn xã Đắk Lao chỉ còn dân tộc Kinh và các dân tộc di cư phá Bắc đến sinh sống. Các dân tộc anh em ở Đắk Lao ngày nay cùng chung sống hòa bình, hình thành những nét văn hoá - lịch sử chung bên cạnh những đặc trưng của dân tộc mình. Lịch sử của đồng bào các dân tộc xã Đắk Lao gắn liền mật thiết với những trang sử hào hùng, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk, nay là tỉnh Đắk Nông.

Từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, gót giày xâm lược và bình định của thực dân Pháp lần lượt giày xéo các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Chính quyền thực dân nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị, bắt tay vào khai thác thuộc địa, làm giàu cho chính quốc. Sự hiện diện của người Pháp với súng lưỡi lê và roi da đã làm bùng lên ngọn lửa phản kháng trong nhân dân với quyết tâm đánh đuổi kẻ xâm lược, bảo vệ cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, với ưu thế về mọi mặt, thực dân Pháp nhanh chóng đạt được mục đích của mình, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đắk Mil cuối cùng phải chịu chung số phận nô lệ như biết bao thân phận người Việt Nam vô tội khác.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Tây Nguyên ngày càng phát triển mạnh mẽ và lan rộng. Đắk Lắk lúc bấy giờ là tỉnh có phong trào đấu tranh, cách mạng sôi nổi nhất với nhiều cuộc khởi nghĩa lớn, trong đó quy tụ đông đảo lực lượng và có ảnh hưởng sâu rộng nhất là cuộc khởi nghĩa của Nơ Trang Lơng. Cuộc khởi nghĩa diễn ra từ năm 1912 đến năm 1935, gây cho thực dân Pháp không ít những tổn thất ở địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Nơ Trang Lơng một lần nữa đã nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất, dũng cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây và mãi mãi ghi vào lịch sử Tây Nguyên những trang vàng về tấm gương một người con trung dũng của núi rừng Trường Sơn - Nơ Trang Lơng.

Hoàn thành việc chiếm đóng Đắk Mil, thực dân Pháp bắt tay vào quá trình dồn dân lập đồn điền, ngang nhiên tước đoạt những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu để dựng hàng rào, bao chiếm, đẩy người dân lùi sâu vào bìa rừng hoặc sát biên giới. Đồn điền Đức Lập được dựng lên trở thành địa ngục trần gian của đồng bào các dân tộc Đắk Mil. Với chế độ lao động hà khắc, đồng lương chết đói, từng gốc cao su xanh tốt trong đồn điền đồng nghĩa với hàng trăm cuộc đời thanh niên trai tráng bị chôn vùi, đày đọa. Để phục vụ giao thông nội vùng và sang Campuchia, thực dân Pháp xây dựng đường 14, thực hiện chính sách bắt phu, bắt xâu để ném vào các công trường. Dân cư ở Đắk Mil ngày thưa thớt, phần lớn đều bị kiệt sức dẫn tới bỏ mạng dưới đòn roi của chủ đồn điền, số ít còn lại tìm cách lùi sâu, ẩn áu trong rừng xa.

  Đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam ngày càng lên cao, khắp nơi khí thế đấu tranh bùng lên dữ dội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực dân Pháp phải rất vất vả để đối phó bằng cách tăng cường bắt bớ, truy sát các chiến sĩ cách mạng, chúng mở thêm nhiều nhà tù, nhà ngục để tiện cho việc giam cầm, xét hỏi, tra tấn. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, đến thời điểm này trở thành nơi giam giữ một số lượng lớn chính trị phạm, trong đó có cả những chiến sĩ cách mạng trong phong trào 1930 - 1931 từ Nghệ An, Hà Tĩnh bị đưa vào. Với chế độ sinh hoạt đói khổ, cơm hẩm cá thiu, bệnh tật hoành hành lại thường xuyên phải hứng chịu đòn roi của cai ngục khi lao động nặng nhọc khiến cho Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các tù nhân. Khi số lượng tù nhân vượt quá khả năng giam giữ của Nhà đày Buôn Ma Thuột, chính quyền thực dân xây dựng thêm Nhà ngục Đắk Mil vào năm 1940 (nay thuộc địa bàn thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil). Nhà ngục Đắk Mil được thiết kế theo kiểu nhà dài (nhà sàn) của đồng bào Ê đê, gồm 9 gian bằng gỗ, mái lợp tranh. Bên ngoài có hàng rào gỗ bao quanh, được chèn chặt bằng dây thép gai, bốn góc của nhà ngục có chòi canh gác 24/24 giờ. Ngay sau khi bị đày tới ngục Đắk Mil, các tù nhân phải hứng chịu một chế độ lao tù hết sức tàn bạo, điều kiện sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt, hàng ngày phải đối mặt với xiềng xích, gông cùm, đòn roi và chế độ lao dịch nặng nề… Vậy nhưng, gông cùm, xiềng xích trong lao tù chỉ khắc ghi thêm tội ác dã man của kẻ xâm lược đối với đồng bào, chỉ có thể giam giữ được thể xác chứ không khuất phục được tinh thần của các chiến sĩ - những người ngày đêm vẫn kiên định lý tưởng đấu tranh, nung nấu ý chí chờ thời cơ vượt ngục để thắp lên ngọn lửa cách mạng, giải phóng quê hương.

Năm 1942, các tù nhân đã lựa chọn và bầu ra Ban Cán sự đầu tiên trong Nhà ngục Đắk Mil do đồng chí Nguyễn Tạo làm Trưởng ban và các đồng chí Trần Văn Quang, Kinh, Hòa, Trinh, Bửu, Toàn... Ban Cán sự đề ra chủ trương cần tiếp tục giáo dục, tuyền truyền về lý tưởng cách mạng, phương pháp đấu tranh cho tù nhân; xây dựng, móc nối cơ sở cách mạng trong tù với xung quanh, trước hết là với binh lính cai ngục và đồng bào người dân tộc thiểu số xung quanh thông qua những lần đi lao động cải tạo; bí mật chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tổ chức vượt ngục, ra ngoài hoạt động... Có thể thấy rằng, sau sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1941, việc Ban Cán sự (thực chất là chi bộ cộng sản đầu tiên) ra đời trong Nhà ngục Đắk Mil vào năm 1942 do đồng chí Nguyễn Tạo làm Trưởng ban (Bí thư) đã khẳng định sự trưởng thành của phong trào đấu tranh trong ngục tù của các chiến sĩ cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo bí mật của Ban Cán sự Nhà ngục Đắk Mil, tù nhân tiến hành đấu tranh giành thắng lợi và được nghỉ 3 ngày Tết tại nhà ngục. Cuối tháng 6/1942, tù nhân tổ chức thành công việc phá lò gạch của địch, góp phần phá vỡ kế hoạch mở rộng nhà ngục. Đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/12/1942, các đồng chí Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Trần Doanh tổ chức vượt ngục Đắk Mil. Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên của tù chính trị Nhà ngục Đắk Mil được tổ chức thành công. Đó là một chiến công lớn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tổ chức hoạt động của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù thực dân, khích lệ tinh thần đấu tranh và để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho những cuộc đấu tranh, vượt ngục sau này. Đối với chính quyền thực dân, do thất bại liên tiếp trong việc quản lý, cai trị, tra tấn và lợi dụng công sức của tù chính trị vào xây dựng Đại lý Đắk Mil, cuối tháng 3/1943, chúng buộc phải chuyển toàn bộ số tù nhân ở Nhà ngục Đắk Mil quay trở về Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng thời cho phá huỷ Nhà ngục Đắk Mil.

Âm mưu đày ải tù nhân chính trị lên những nhà tù ở miền núi, cao nguyên nhằm cô lập những người cộng sản, muốn lợi dụng khí hậu nơi rừng thiêng nước độc để giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản của đế quốc đã thất bại. Kẻ thù không bao giờ lường trước được rằng chính sự có mặt của các nhân vật tù nhân chính trị tại Đắk Lắk nói chung, Đắk Mil nói riêng đã khiến cho hạt giống cộng sản dễ dàng và nhanh chóng nảy mầm, bén rễ bền gốc với mảnh đất và đồng bào nơi đây. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk nói chung vì vậy cũng lớn mạnh và sôi nổi hơn bao giờ hết. Trong cuộc đấu tranh này, đồng bào các dân tộc ở Đắk Lao - nơi Nhà nguc Đắk Mil trực tiếp đứng chân đã chịu nhiều ảnh hưởng tích cực, bà con nhanh chóng giác ngộ, cùng hòa vào dòng chảy đấu tranh cách mạng với nhân dân huyện Đắk Mil và cả Tây Nguyên  dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà ngục Đắk Mil trở thành địa chỉ đỏ trong phong trào đấu tranh của nhân dân Đắk Lao, Đắk Mil nói riêng và Tây Nguyên nói chung giai đoạn tiền khởi nghĩa.

Ngày 17/8/1945, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Mil nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 20/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Buôn Ma Thuột tuyên bố giành chính quyền tại thị xã và phát lệnh khởi nghĩa đến các địa phương dọc theo đường 14, đường 21 và đường số 8. Ngày 23/8/1945, tại huyện lỵ Đắk Mil, trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện. Cách mạng tháng Tám thành công ngay giữa rừng già Đắk Lao - trung tâm của huyện Đắk Mil. Từ nay, nhân dân các dân tộc Đắk Mil đã có chính quyền của riêng mình, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ nhà nước non trẻ vừa giành được.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện Đắk Mil tiến hành đưa cán bộ về các thôn, buôn để xây dựng chính quyền và các đoàn thể cứu quốc. Do địa bàn rộng trong khi cán bộ còn mỏng nên nhiều buôn mới có một đại diện chính quyền cùng với già làng, trưởng bản vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Ở Đắk Lao, thanh niên trong Đồn điền Đức Lập nhanh chóng tham gia bảo vệ chính quyền, sau này chính họ là lực lượng tiên phong bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) bùng nổ, huyện Đắk Mil là vùng địch tạm chiếm. Mặt trận Ba biên giới ra đời tại địa bàn huyện. Cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ biên giới diễn ra ngày càng ác liệt tại mặt trận Đắk Mil trong nhiều năm liền. Sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của Ban Cán sự Đảng Đắk Lắk, thậm chí có những tổn thất, mất mát về cán bộ, tháng 6/1950, Đắk Mil thành lập được Ban Cán sự Đảng (tương đương Đảng bộ huyện sau này). Được sự che chở của đồng bào, đến tháng 12/1952, phong trào cách mạng ở Đắk Mil từng bước được phục hồi, có 5 chi bộ đảng đã được thành lập trên địa bàn 5 xã Đắk Lô, Đắk Đam, Đắk Sua, Đắk La và buôn Brua. Từ một vùng bị bỏ trống, đồng bào không chắp nối liên lạc được với cán bộ, đến năm 1952, Đắk Mil đã có Đảng bộ và gây dựng được tổ chức, phát triển lực lượng ra nhiều xã xung quanh. Đây là một bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào kháng chiến của nhân dân các dân tộc ở Đắk Mil, trong đó có đồng bào Đắk Lao. Cùng với nhân dân các địa phương khác trong huyện và tỉnh, nhân dân Đắk Lao đã đóng góp không tiếc máu xương để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp tại địa bàn biên giới Việt Nam - Campuchia đi đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, khi có lệnh ngừng bắn, Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhanh chóng triển khai lực lượng về các huyện, xã trong tỉnh để xây dựng cơ sở. Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp biên giới với Campuchia, Đắk Mil lúc này trở thành chiến trường cài răng lược giữa một bên là những vùng chính quyền kháng chiến đã gây dựng được lực lượng với một bên xen kẽ là những vùng có quân địch đang tạm chiếm. Dưới thời Mỹ Diệm, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện chính sách dồn dân lập ấp, chúng ép hàng nghìn người dân từ miền xuôi lên miền ngược, từ miền bắc, miền trung lên Tây Nguyên để đưa vào các dinh diền. Tại Đắk Mil, chính quyền ngụy lập thêm hàng chục dinh điền chạy dọc đường 14 và bao quanh huyện lỵ - chính là vùng trung tâm của xã Đắk Lao sau này. Những dinh điền này vừa là nơi bóc lột sức lao động dân bản xứ để khai thác lương thực, vừa là những căn cứ quân sự để tấn công quân giải phóng. Đối với đồng bào người Kinh, dinh diền Tây Nguyên là nơi giam giữ, kìm kẹp họ, hòng thực hiện âm mưu ly khai họ khỏi đồng bào miền xuôi, cắt đứt mối liên hệ của họ với quê hương, bản quán, với tổ chức cơ sở. Trong số hơn 57 nghìn người bị ép đưa vào 43 dinh điền ở Đắk Lắk, riêng ở Đắk Mil, từ sau năm 1957, chính quyền Mỹ Diệm đã bắt ép hàng vạn người vào hàng chục khu dinh điền[3]. Ở Đắk Lao có đồn điền Hà Trọng Sương - một chủ đồn điền người Hoa thu nhận nhiều công nhân và dân bản địa vào lao động.

Năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Quảng Đức, cắt toàn bộ huyện Đắk Mil của tỉnh Đắk Lắk nhập vào tỉnh Quảng Đức và đặt tên là quận Đức Lập. Chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Quảng Đức vào tháng 12/1960 dựa trên sự phân chia địa lý của chính quyền ngụy, đặt mật danh là B4. Trong kháng chiến, do yêu cầu công tác của cấp trên, huyện Đắk Mil được gọi bằng những mật danh khác nhau, có khi là K63, có khi là K2 hoặc H8. Giai đoạn 1965 - 1966, huyện Đức Lập thuộc khu vực Tiền phương A thuộc tỉnh Quảng Đức. Từ năm 1971 đến năm 1975, huyện Đức Lập thuộc tỉnh Đắk Lắk. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, quận Đức Lập luôn được xác định là địa bàn xung yếu của cả địch và chính quyền cách mạng. Những cuộc hành quân của cả hai bên từ Sài Gòn lên Tây Nguyên để sang Campuchia đều qua địa bàn Đức Lập nên nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ.

Rạng sáng ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập. Ngày 10/3/1975, Sư đoàn 10 mở đợt tiến công thứ hai vào Đức Lập, chiếm được quận lỵ, giải phóng hoàn toàn Đức Lập. Chiến thắng Đức Lập góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 15/3/1975, nhân dân các dân tộc Đắk Mil hân hoan cùng với đồng bào Tây Nguyên đón đoàn quân chiến thắng trong tiếng cồng chiêng, hò reo bất tận. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, kết thúc một chặng đường dài đấu tranh gian khổ với biết bao mất mát, hi sinh của buôn làng. Đại ngàn Trường Sơn lại reo vui trong gió, đồng bào các dân tộc ở Đắk Lao, Đắk Mil nói riêng và Tây Nguyên nói chung phấn khởi bắt tay vào xây dựng, bảo vệ quê hương trong tâm thế của người làm chủ non sông, làm chủ cuộc đời.

*

*      *

Đắk Lao là vùng biên giới, tiếp giáp Campuchia. Trước giải phóng, nơi đây là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc M’nông, Stiêng, Mạ, Ê đê,… về sau là nơi sinh sống của đông đảo người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số khác di cư từ nhiều địa phương đến. Mang trong mình những nét văn hoá riêng, đồng bào các dân tộc hình thành nên những bản sắc riêng, làm đa dạng và phong phú thêm văn hoá của cộng đồng dân cư trước hết là ở Đắk Mil, sau là trên toàn Tây Nguyên. Với điều kiện tự nhiên tương đồng nhau, đồng bào Đắk Mil cũng như các địa phương khác giữa đại ngàn Trường Sơn cùng chung sống hòa bình, gắn bó với nhau và cùng viết nên những trang sử thi hào hùng, bi tráng của buôn làng.

Trước khi Tây Nguyên giải phóng, xã Đắk Lao chưa ra đời với tư cách là một đơn vị hành chính thuộc huyện Đắk Mil. Lúc bấy giờ, lịch sử của đồng bào Đắk Lao gắn bó, hòa lẫn cùng với biết bao thăng trầm, vui buồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc quận Đức Lập, tức huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk. Nhà ngục Đắk Mil là địa chỉ đỏ, điểm sáng thắp lên giữa rừng già Đắk Lao trong những năm 40 của thế kỷ XX, để từ đó, những đốm lửa được nhân rộng, lan toả, thành phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng quê hương. Bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều thế hệ, trở thành sức mạnh để nhân dân Đắk Lao sau năm 1975 bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng xã phát triển dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, đưa cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng biên cương Tổ quốc thoát khỏi đói nghèo, tiến gần với văn minh, hiện đại.  

 

 

[1] Theo lời kể của đồng chí Phạm Thành Tựu  - Bí thư Chi bộ xã Đắk Lao giai đoạn 1981 - 1982

[2] Theo lời kể của đồng chí Phạm Thành Tựu  - Bí thư Chi bộ xã Đắk Lao giai đoạn 1981 - 1982

[3] Huyện uỷ Đắk Mil, Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân các dân tộc huyện Đắk Mil, tập 1 (1930 - 1975), Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Đắk Lắk xuất bản, 1996, tr.85.