Vị trí địa lý

Đắk Lao là một xã biên giới, thuộc phía bắc huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.  Phía bắc Đắk Lao tiếp giáp với thị trấn Đắk Mil và các xã Đắk Win, Cư Jút, Đắk N’Drót; phía đông giáp xã Đức Mạnh, thị trấn Đắk Mil; phía nam giáp xã Thuận An; phía tây tiếp giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với 42,105km đường biên. Phân định biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa phận xã Đắk Lao có cột mốc số 49 - là 1 trong 8 cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông được phân định, xây dựng và khánh thành từ năm 2010. Cột mốc số 49 được giao cho lực lượng bộ đội biên phòng hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri phối hợp quản lý, bảo vệ theo Luật Biên giới quốc gia.

Địa hình

Đắk Lao có độ cao trung bình khoảng 500m so với mặt nước biển.  Địa hình có độ dốc vừa phải. Trên địa bàn xã Đắk Lao còn có các hồ đập thuỷ lợi chứa nước như hồ 40, hồ 35 (khu B), hồ Tây, đập 40,…

Khí hậu

Khí hậu Đắk Lao mang đặc trưng của vùng chuyển tiếp giữa hai tiểu vùng khí hậu Đắk Lắk và Đắk Nông, nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 11, tập trung trên 90% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Điều kiện khí hậu này thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi vùng nhiệt đới có giá trị cao.

Thuỷ văn

Mật độ sông, suối, hồ, đập ở Đắk Lao có do tuy khá dày nhưng lưu lượng dòng chảy nhỏ, cạn nên lượng nước dự trữ trong mùa khô thường ít, gây khan hiếm nguồn nước mặt trong những ngày nắng hạn, ảnh hưởng đến cây trồng. Nguồn nước ngầm trên địa bàn xã còn khá dồi dào, chất lượng nước theo kết quả phân tích hoàn toàn phù hợp để ăn uống, sinh hoạt, sản xuất nhưng để khai thác được lâu dài đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ và đầu tư đồng bộ, có hệ thống để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường, dân sinh.  

Đất đai

Đắk Lao là xã vùng biên thuộc huyện Đắk Mil - một huyện có diện tích đất khá phong phú và màu mỡ, phần lớn là đất đỏ bazan, rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp nhiệt đới có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su,… Đây cũng là xã nằm trong vùng hội tụ của hai luồng thực vật với hai loại hình rừng là rừng nửa rụng lá, có khả năng tái sinh kém và rừng khộp, cây tái sinh mạnh, chịu được điều kiện khắc nghiệt như khô hạn.

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã tính tại thời điểm năm 2020 khoảng 25.498ha, trong đó, đất sản xuất khoảng gần 6.000ha, chiếm hơn 20% diện tích tự nhiên, còn lại là đất rừng.

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên tiêu biểu của xã Đắk Lao là đá xây dựng, có tính chất vật lý tốt,  có thể sử dụng làm móng nhà, rải đường, trộn bê tông nhựa, bê tông xi măng. Ở Đắk Lao hiện đang khai thác 2 mỏ có trữ lượng vừa phải. Các tài nguyên khác như bauxit, đá quý,… đang ở dạng tiềm năng, cần được đầu tư nghiên cứu, thăm dò để đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác lâu dài,…

Giao thông

Là một xã biên giới, nhưng Đắk Lao có vị trí khá lý tưởng khi chỉ cần “đưa tay ra” là chạm vào trung tâm huyện lỵ Đắk Mil thông qua hệ thống giao thông thuận lợi. Những năm đầu thế kỷ XXI, Chính phủ và các tỉnh Tây Nguyên đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến đường liên vùng, trong đó có Quốc lộ 14C và Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh). Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch, chạy song song nhau, đi qua huyện Đắk Mil, trong đó có xã Đắk Lao, tạo thuận lợi cho giao thương, buôn bán và đi lại của nhân dân. Cùng với các tuyến tuyến đường tỉnh chạy qua địa bàn, xã Đắk Lao trở thành điểm kết nối các địa phương trong huyện với các huyện khác trong tỉnh Đắk Nông và sang tỉnh Mondulkir của nước bạn Campuchia.