TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐỨC LẬP (09/3/1975 - 09/3/2025)
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐỨC LẬP (09/3/1975 - 09/3/2025)
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐỨC LẬP
(09/3/1975 - 09/3/2025)
-----
I. CHIẾN THẮNG ĐỨC LẬP - MỞ MÀN CHO CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN THẮNG LỢI, GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
1. Bối cảnh
Cuối năm 1974, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tuy thất bại nặng nề nhưng vẫn còn ngoan cố, đẩy mạnh bình định, lấn chiếm, chống phá cách mạng; thế và lực của địch ngày càng suy yếu, các lực lượng cách mạng ở miền Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới. Hội nghị khẳng định:“Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng đưa quân trở lại và dù chúng có can thiệp đi nữa cũng không thể cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn”[1]. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975.
Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) soát xét tình hình địch, ta ở miền Nam và sau chiến thắng Phước Long (ngày 06/01/1975), Bộ Chính trị quyết định: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà”. Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cũng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch Nam Tây Nguyên.
Đến đầu năm 1975, Quận Đức Lập (huyện Đắk Mil), có 6 xã, dân số có khoảng 18.000 người. Lực lượng địa phương có đội vũ trang công tác và các đội dân quân du kích ở buôn, ấp[2].
Tình hình quân sự trên hướng Đức Lập thời điểm này địch xây dựng 5 cứ điểm quân sự lớn, có công sự, hầm ngầm và nhiều vật cản. Lực lượng địch khá mạnh, gồm: sở chỉ huy hành quân Sư đoàn 23, 02 tiểu đoàn bộ binh, 03 đại đội pháo binh 105 mm, 01 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép, 05 đại đội bảo an và một số đơn vị trinh sát, công binh thuộc Sư đoàn 23. Ngoài ra, địch còn có một số tiểu đoàn dân vệ, bảo an đóng ở vòng ngoài với tổng số khoảng 2.400 quân[3]. Với lực lượng quân sự như vậy, địch hy vọng Đức Lập trở thành lá chắn vững chắc phía Tây Nam thị xã Buôn Ma Thuột.
Tháng 02/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Đắk Lắk cũ, nay là Đắk Lắk và Đắk Nông) tiến hành nhiều phiên họp ra nghị quyết và bàn các biện pháp phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Nghị quyết xác định: “Ra sức phát huy thời cơ lớn và thắng lợi quân sự trực tiếp, phát động cao trào nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, nhằm tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị của địch, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, xác lập quyền làm chủ thực sự của quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng vững chắc và phát triển lực lượng cách mạng, giải phóng toàn tỉnh”. Cũng trong thời gian này, tỉnh tổ chức học tập cho lực lượng vũ trang, các cơ quan dân, chính đảng về tình hình đặc biệt khẩn trương trong thời gian tới. Ta sẽ đánh lớn khắp Tây Nguyên. Khi có thời cơ tiến lên giành quyền làm chủ, các huyện phải nhanh chóng phát động quần chúng nổi dậy. Huyện Đức Lập (Đắk Mil) nằm trong thế sẵn sàng đón thời cơ, với nhiệm vụ phối hợp với đòn tấn công quân sự, đánh phá bình định, giành dân ở khu vực trọng điểm.
Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định rõ việc đánh Đức Lập nhằm đập tan tuyến phòng thủ phía Nam, bảo đảm thuận lợi cho trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột. Vì vậy khi thảo luận phương án tác chiến chiến dịch, Bộ Tư lệnh đã cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng và được đại diện Bộ Chính trị và Bộ Tư lệnh phê chuẩn. Nếu ta tiêu diệt nhanh quân địch ở Đức Lập, ngoài việc tạo cho Bộ Chỉ huy chiến dịch sớm có lực lượng sẵn sàng tăng cường cho Buôn Ma Thuột, còn có ý nghĩa bảo đảm hành lang cho các lực lượng tiến công vào hướng Nam Buôn Ma Thuột; thu hút thêm sự chú ý của địch về hướng Đức Lập và bảo đảm bất ngờ cao nhất cho trận đánh then chốt, quyết định.
2. Diễn biến, kết quả[4]
Sư đoàn 10 bộ binh của ta được giao nhiệm vụ “Bước đầu tiêu diệt tuyến phòng thủ Đức Lập, sau đó nhanh chóng cơ động về Buôn Ma Thuột làm lực lượng dự bị chiến dịch”. Thực hiện kế hoạch tác chiến đã vạch ra, đêm 7 tháng 3 năm 1975 ta chuẩn bị xong về hậu cần, thông tin và bắt đầu cho các đơn vị xa nhất thuộc Sư đoàn 10 hành quân về điểm tập kết. Đêm mùng 8 tháng 3 năm 1975, toàn Sư đoàn hành quân và đến 3 giờ sáng ngày 9 tháng 3 tất cả các hướng vào đúng vị trí chiếm lĩnh an toàn. Đúng 5 giờ 35 phút[5] sáng ngày 9 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 10 phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích dồn dập bắn vào căn cứ chỉ huy hành quân của sư đoàn 23 ngụy, căn cứ Núi Lửa và quận lỵ Đức Lập. 90 phút sau bộ binh ta tập trung tiến công địch ở hầu hết các vị trí quan trọng của địch trên tuyến Đức Lập - Đắk Song. Sau một thời gian ngắn hoảng hốt, địch bắt đầu tổ chức phản kích và nhiều vị trí diễn ra các trận đánh giằng co ác liệt. Do nắm địch không chắc, hiệp đồng thiếu chặt chẽ nên địch dựa vào công sự vững chắc và xe tăng đặt ngầm dưới mặt đất chống trả quyết liệt. Đến sáng ngày 10 tháng 3, ta tổ chức lại lực lượng, hỏa lực đưa hai khẩu pháo 85mm lên đồi Nhà Thờ bắn trực tiếp, chi viện hiệu quả cho bộ binh mở đợt tiến công, mới đè bẹp mọi sự kháng cự của địch, làm chủ trận địa lúc 8 giờ 30 phút. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu đại bộ phận quân địch, bắt sống 50 tù binh, trong đó có trung tá quận trưởng. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 9 tháng 3, căn cứ chỉ huy hành quân của sư đoàn 23 - một vị trí quan trọng bậc nhất của địch ở Đức Lập đã bị tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho trận then chốt giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Trong khi các đơn vị tiến công quân địch trong quận lỵ Đức Lập, thì Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28 được lệnh phát triển phối hợp với Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Đặc công 198 đánh chiếm căn cứ Đắk Song - một vị trí án ngữ trên đường 14 do Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 53 ngụy chiếm giữ. Đến ngày 10 tháng 3 ta làm chủ hoàn toàn các cứ điểm Đắk Song, Đắk Sắk. Tuyến phòng thủ Đức Lập phía Tây Nam Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị tiêu diệt, ta loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn bảo an, bắt sống hơn 100 quân địch, thu 14 pháo và 20 xe tăng và thiết giáp. Nắm bắt thời cơ, các đội công tác phát động quần chúng từ Đức Lập đến Đắk Sắk, Đắk Song nổi dậy giành chính quyền, giải phóng huyện Đức Lập và các vùng xung quanh.
Vào lúc 2 giờ 3 phút sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta tấn công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột từ nhiều hướng, bất ngờ, táo bạo đánh chiếm các mục tiêu quan trọng đã định sẵn, mặc dù quân địch cố thủ, chống trả quyết liệt, nhưng với ưu thế áp đảo đến hết ngày 11 tháng 3 năm 1975, ta làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, phá vỡ hoàn toàn thế trận phòng ngự chiến lược của địch ở Nam Tây Nguyên.
Sau khi ta giải phóng Đức Lập, Kiến Đức và Buôn Ma Thuột, địch ở Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoang mang cực độ, bộ máy tề điệp trong các ấp hoàn toàn tê liệt. Hệ thống phòng ngự của địch ở phía Bắc và Tây Gia Nghĩa hầu như tan rã, quân địch thất thủ ở các nơi đã tháo chạy về Gia Nghĩa. Trước tình hình đó, ta khẩn trương tổ chức lực lượng chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8, đồng thời tấn công nổi dậy giải phóng Gia Nghĩa.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 23 tháng 3 năm 1975, lực lượng vũ trang của ta làm chủ hoàn toàn Gia Nghĩa. Thiếu tá Tỉnh trưởng Quảng Đức vội vã lên máy bay về Sài Gòn. Trưa ngày 23 tháng 3 năm 1975, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty cảnh sát và các công sở khác của ngụy quyền; Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Ngày 24 tháng 3 năm 1975, lực lượng ta tiến vào tiếp quản Đức Xuyên, đây là quận cuối cùng trên địa bàn Quảng Đức được giải phóng. Du kích vùng căn cứ Nâm Nung được giao tham gia tiếp quản quận lỵ, vận động quần chúng nổi dậy làm chủ toàn bộ vùng nông thôn, thành lập chính quyền cách mạng, ổn định tình hình trật tự, trị an. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quảng Đức (Đắk Nông) kết thúc thắng lợi.
3. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm
3.1. Ý nghĩa lịch sử
Chiến thắng Đức Lập có ý nghĩa vô cùng to lớn, là trận thắng mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, góp phần dứt điểm để bổ sung lực lượng sớm cho Buôn Ma Thuột, đảm bảo thông suốt đường Hồ Chí Minh trên chiến trường Nam Tây Nguyên; tạo đà để quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Gia Nghĩa - Đắk Nông vào ngày 23/3/1975, góp phần quan trọng kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, mở ra thời cơ chiến lược để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với thành tích và truyền thống vẻ vang trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, ngày 08/11/2000 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 567-QĐ/CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đắk Mil vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Trong 30 năm chiến tranh chống hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Đắk Mil nói riêng và Quảng Đức (Đắk Nông) nói chung đã phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, anh dũng, đoàn kết vượt qua nhiều thử thách, khó khăn gian khổ, chịu đựng nhiều tổn thất hy sinh, bền bỉ đấu tranh và giành được nhiều thắng lợi to lớn trong từng thời kỳ cách mạng, đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng. Từ đây cùng với cả tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đắk Mil bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do, hòa bình thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
3.2. Bài học kinh nghiệm
Chiến thắng Đức Lập, đã để lại nhiều bài học lịch sử quý báu đối với Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đắk Mil:
Thứ nhất, Xây dựng lực lượng tại chỗ bao gồm cả quân sự, chính trị, binh vận có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đảng bộ huyện đã có quá trình chuẩn bị lực lượng; cán bộ, đảng viên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, chịu nhiều thử thách, hy sinh, bám đất, bám dân, xây dựng địa bàn, xây dựng chỗ đứng chân, xây dựng lực lượng vũ trang, tạo điều kiện cho trận đánh then chốt. Trước khi tiến hành trận đánh, cùng với lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng hành động, đó là một thành công to lớn về chuẩn bị lực lượng tại chỗ, tạo nên thế trận vững mạnh cho trận đánh then chốt góp phần mở màn cho chiến thắng Buôn Ma Thuột và cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Thứ hai, sự kết hợp giữa quân chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong trận đánh Đức Lập, lực lượng vũ trang Đắk Mil đã nắm bắt thời cơ và phát huy thắng lợi trực tiếp của hoạt động quân sự, phối hợp kịp thời với quân chủ lực, phát động cao trào tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị của địch, đập tan bộ máy kìm kẹp, giải phóng buôn làng, cùng với quần chúng Nhân dân nổi dậy giành và giữ chính quyền cách mạng, làm trong sạch địa bàn, không cho tàn quân địch bám giữ phản kích trở lại.
Thứ ba, sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy. Trước, đồng thời và sau khi các mũi tiến công của quân chủ lực vào quận, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã liên tục nổi dậy. Quần chúng đã phối hợp chặt chẽ và dẫn đường cho bộ đội địa phương, quân chủ lực đánh chiếm các mục tiêu; giành được chính quyền cơ sở, phá kìm kẹp, đồn bốt, chiếm công sở.
Những bài học về xây dựng lực lượng tại chỗ, kết hợp giữa quân chủ lực và bộ đội địa phương; sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng Nhân dân trong chiến thắng Đức Lập mãi mãi là bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
II. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG ĐỨC LẬP, QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN ĐẮK MIL, TỈNH ĐẮK NÔNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH
1. Giai đoạn từ năm 1975 - 2005
Sau ngày Đức Lập (Đắk Mil) được giải phóng, tình hình an ninh trật tự, kinh tế - xã hội gặp muôn vàn khó khăn. Từ trong chiến tranh khốc liệt chuyển sang hoà bình, nhân dân các dân tộc Đắk Mil tiến bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với niềm tin và khát vọng cháy bỏng: xây dựng một cuộc sống hoà bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh ngay trên mảnh đất quê hương và Tổ quốc của mình. Khát vọng đó đã được thể hiện và kết tinh trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và từng bước được hiện thực hoá bằng thực tiễn cách mạng sinh động trong suốt 30 năm xây dựng và bảo vệ quê hương.
Trong những năm 1975 - 1985, là giai đoạn bước ngoặt của cuộc cách mạng chuyển từ chiến tranh sang hoà bình. Với đặc thù một huyện dân tộc, tôn giáo, miền núi, biên giới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Đắk Mil phải đương đầu với những khó khăn, thách thức to lớn, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quê hương vừa có chiến tranh, vừa có hoà bình. Cùng lúc Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện hai nhiệm vụ: vừa đấu tranh trấn áp bọn phản động FULRO, bọn phản cách mạng, chống chiến tranh xâm lược từ bên kia biên giới; vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện điểm xuất phát rất thấp, cộng với những ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu... Nhưng mọi khó khăn, thử thách đó từng bước được vượt qua bởi sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Đắk Mil, bởi sự tiếp tục anh dũng hi sinh của chiến sỹ, đồng bào, đồng chí trong huyện. Thành quả nổi bật trong thời kì này là góp phần xứng đáng làm tan rã lực lượng FULRO, bọn phản động ngoan cố, đẩy lùi chiến tranh biên giới phía Tây Nam: khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong huyện, cơ bản khắc phục được nạn đói trong đồng bào dân tộc, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, bình quân lương thực đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2005) trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế -xã hội, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”. Đối với Tây Nguyên, chúng tổ chức các cuộc bạo loạn, hòng âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề ga tự trị ... Trong giai đoạn này, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX của Đảng, Đảng bộ huyện Đắk Mil đã cụ thể hoá đường lối đổi mới bằng những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp rất hiệu quả. Đó là phát triển mạnh 03 chương trình kinh tế lớn (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu), xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý mới, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng cả nước thoát ra khỏi khủng hoàng kinh tế - xã hội, đưa Đắk Mil tiến bước vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Theo đó, cơ cấu kinh tế trong huyện không ngừng được hoàn thiện và phát triển đúng hướng, nền kinh tế liên tục phát triển, nhất là các ngành nông - lâm nghiệp. Đã hình thành các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu... Dịch vụ có bước phát triển đáng kể. Kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình thuỷ lợi, điện, đường, trường, trạm được xây dựng ngày một nhiều. Từ thị trấn đến các thôn, bon trong huyện có sự thay đổi lớn. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội có chuyển biến mạnh. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Số lượng và chất lượng đội ngũ đảng viên không ngừng được nâng lên. Hệ thống chính trị liên tục được kiện toàn. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được bồi đắp.
2. Giai đoạn 2005 - 2025
Huyện Đắk Mil là 1 trong 6 đơn vị hành chính đầu tiên của tỉnh Đắk Nông được tái lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 Quốc hội khóa XI về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Là huyện biên giới giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; diện tích tự nhiên 67.901,89 ha, dân số (đến năm 2024) có trên 105.000 người; có 10 đơn vị hành chính gồm: 09 xã và 01 thị trấn (02 xã biên giới) với 125 thôn, bon, bản, tổ dân phố; có 19 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 21% dân số huyện.
Trong giai đoạn 2005 - 2025, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đắk Mil luôn phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển huyện Đắk Mil giành nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là, kinh tế - xã hội của huyện có những bước phát triển vượt bậc; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2005 - 2010 đạt 12,5%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 đạt 8,54%/năm; giai đoạn 2015 - 2020 đạt 8,79%/năm; giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt 9,08%/năm). Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; kết cấu hạ tầng được đầu tư; môi trường chính trị và xã hội được duy trì ổn định; các chính sách xã hội được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới tiếp tục được giữ vững.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Mil tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô chất lượng nền kinh tế được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 76,33 triệu đồng/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả quan trọng; 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 3/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 05 khu dân cư kiểu mẫu; 12 vườn mẫu - rẫy mẫu; phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa trên toàn huyện vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đảm bảo nước tưới cho 88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. 100% thôn, bon, bản, tổ dân phố có điện lưới quốc gia; 99,4% số hộ được dùng điện. 99,54% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 99% hộ dân đô thị sử dụng nước sạch. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 35%.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; đến nay toàn huyện có 88% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 97,6% thôn, bon, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 96,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% xã đạt danh hiệu văn hóa. 100% thôn, bon, tổ dân phố có nhà văn hoá và nơi sinh hoạt cộng đồng… Có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia: Nhà ngục Đắk Mil và Đồi 722 - Đắk Sắk.
Công tác giáo dục, y tế được quan tâm, đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những huyện có chất lượng giáo dục nằm trong tốp đầu của tỉnh. Toàn huyện hiện có 55 cơ sở giáo dục, trong đó có 54 trường học và 01 Trung tâm GDNN - GDTX với 889 nhóm, lớp, 29.160 học sinh; trong đó, có 31/44 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến; tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân đạt 9,29 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.
Công tác giải quyết chính sách xã hội đạt kết quả tích cực; công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm được quan tâm đúng mức; 100% đối tượng chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng so với mức sống trung bình cộng đồng dân cư. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” được triển khai có hiệu quả, đã huy động được 5.670 triệu đồng và kết hợp với nhiều nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa 81 nhà tình nghĩa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08% vào cuối năm 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,97%. Đào tạo nghề cho 8.900 lao động; giải quyết việc làm cho 22.700 người, số người lao động có việc làm bình quân tăng thêm hàng năm 4.540; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới được củng cố, an ninh chính trị giữ vững ổn định, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; hàng năm giao quân đạt 100% chỉ tiêu cấp trên giao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bình quân có 90,8% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 95,3% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; kết nạp đảng viên đạt 70,08%.
Sau 50 năm giải phóng, từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu, đến nay Đắk Mil đang trên đà phát triển, hướng tới là đô thị loại III, trở thành Trung tâm cực động lực tăng trưởng phía Tây Bắc của tỉnh Đắk Nông. Những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đắk Mil đạt được sau 50 năm Giải phóng Đức Lập đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Nông. Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển, đạt những thành tựu mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển, với những dấu ấn nổi bật: tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, thu nhập bình quân đầu không ngừng tăng lên; chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhờ huy động tối đa sức dân, tranh thủ sự đồng thuận, đến nay, trên 50% số xã của Đắk Nông đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới luôn được củng cố và giữ vững.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Chiến thắng Đức Lập (09/3/1975 - 09/03/2025) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tri ân công lao cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cùng cả nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY - HUYỆN ỦY ĐẮK MIL
[1] Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân các dân tộc huyện Đắk Mil (1930 - 1975), tập I, tr.152.
[2] Lịch sử Đảng bộ huyện tập 2, giai đoạn 1975-2005.
[3] Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đắk Mil (1945 - 2020), tr.87.
[4] Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Mil Tập 1 (1930 - 1975); Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đắk Mil (1945 -2020); Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Nông (1945 - 2010).
[5] Nguồn: Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Nông (1945 - 2010), trang 167, 168.